Luật Đội Mũ Bảo Hiểm

Ngày đầu tiên quy định học sinh đội mũ bảo hiểm

QĐND Online - Ngày 10-4, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội, phối hợp Phòng CSGT Công an Hà Nội yêu cầu 100% học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện khi tham gia giao thông, đồng thời theo dõi, xử lý kỷ luật nghiêm, phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông. Đây là lần đầu tiên có sự phối hợp giữa CSGT và ngành giáo dục trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh.


Thương con chưa đúng cách
 

Là một phụ huynh từng bị nhắc nhở trong “Tuần cao điểm”, anh Nguyễn Long (quận Hoàn Kiếm) cười trừ: “Tôi có biết chủ trương này và cũng thấy nó cần thiết nhưng do bận việc nên đưa con đi học muộn, vậy là không kịp đội mũ bảo hiểm cho cháu”.

Chị Tường Lan (quận Cầu Giấy) bày tỏ sự ủng hộ với việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cho học sinh: “Cái gì cũng thế, ban đầu thì bỡ ngỡ quên trước, quên sau. Khi việc thực hiện đã đi vào nề nếp cũng thành quen, giống như quyết định bắt buộc đội mũ bảo hiểm của mấy năm về trước. Việc đội mũ bảo hiểm là cần thiết cho các cháu. Ban đầu vì nhiều lý do cá nhân nên đôi khi cũng lơ là đội mũ bảo hiểm cho con, nghĩ lại mới thấy mình thực sự thương con chưa đúng cách”.

Mai Phương (học sinh trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết, em và các bạn trong lớp chấp hành rất nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm vì việc này bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông và hơn nữa bạn nào cũng sợ bị hạ hạnh kiểm nếu vi phạm.

Quy định về xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của Sở GD-ĐT Hà Nội không thể thiếu sự ủng hộ từ giáo viên. Cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (Hà Nội), cho biết: “Nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa; thực hiện tiểu phẩm ngắn để nhắc nhở phụ huynh và học sinh chấp hành các quy định về đội mũ bảo hiểm. Trường đã đưa quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vào nội quy nhà trường và đó cũng là tiêu chí để xem xét đánh giá các em học sinh”.


Không thể ngày một ngày hai
 

Theo thống kê của Ủy ban ATGTQG, năm 2014 có 94,6% người lớn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ chỉ là 23,6%. Mỗi năm có từ 1.800 đến 1.900 trẻ tử vong do tai nạn. Năm 2014, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 771.000 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên toàn quốc. Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất là hơn 116.000 trường hợp, TP Hồ Chí Minh có gần 50.000 trường hợp.

Để tăng tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, trong năm 2015, Bộ GD-ĐT có một số giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục những quy định của pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm trong các cơ sở giáo dục; quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông để kịp thời nhắc nhở, giáo dục.

Mặt khác, tuyên truyền và tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi tham gia giao thông; đưa việc triển khai quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực hiện nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông báo đến tất cả trường phổ thông trên địa bàn để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh. Sở đề nghị các trường bố trí địa điểm, nơi treo, giữ mũ bảo hiểm, tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh thực hiện quy định về an toàn giao thông.

Ngay sau khi triển khai xử phạt ngày 10-4, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra lưu động, nếu phát hiện hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện thì sẽ hạ hạnh kiểm học sinh vi phạm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiệp Thống cũng cho rằng: “Để phụ huynh đồng loạt chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không thể ngày một ngày hai mà cần tuyên truyền thuyết phục, cũng không thể kỳ vọng ngay khi cảnh sát giao thông đồng loạt xử lý thì 100% phụ huynh, học sinh chấp hành ngay”.

Việc đội mũ bảo hiểm cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước là việc cần thiết, đúng đắn; tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm vì lý do cá nhân hoặc biết sai mà vẫn làm. Hy vọng sự vào cuộc của toàn xã hội sẽ nhanh chóng đưa chủ trương đội mũ bảo hiểm cho trẻ em dần dần đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: THÚY HẰNG

Các tin khác

Thiết kế Web : Châu Á